Header Ads

Khái niệm và các nguyên tắc thực hiện An toàn Lao động (ATLD) và Vệ sinh Lao động (VSLD)

1. Khái niệm An toàn Lao động (ATLD) , Vệ sinh Lao động (VSLD)

An toàn Lao động

An toàn Lao động là chỉ việc ngăn ngừa sự cố tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, gây thương tích đối với cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động.

Vệ sinh Lao động

Vệ sinh Lao động là những hoạt động ngăn ngừa bệnh tật do tiếp xúc với những chất độc hại trong quá trình lao động, các hoạt động này gây ra tổn thương cơ thể, nội tạng hoặc gây tử vong cho người lao động.
An toàn Lao động và VSLD là những quy định của luật lao động bao gồm những quy phạm pháp luật quy định việc đảm bảo ATLD, VSLD nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động, đồng thời duy trì tốt khả năng làm việc lâu dài của người lao động.
ATLD không tốt thì gây ra tai nạn lao động, VSLD không tốt thì gây ra bệnh nghề nghiệp.
Dưới góc độ pháp lý, ATLD và VSLD là tổng hợp những quy phạm pháp luật quy định các biện pháp bảo đảm ATLD và VSLD nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, và cải thiện điều kiện lao động cho người lao động.
an toàn lao động

2. Ý nghĩa của việc quy định về An toàn Lao động, Vệ sinh Lao động

Việc quy định vấn đề ATLD và VSLD thành một chế định trong luật lao động có ý nghĩa có ý nghĩa quan trong trong thực tiễn.
Trước hết, nó biểu hiện sự quan tâm của nhà nước đối với vấn đề bảo đảm sức khỏe làm việc lâu dài cho người lao động.
Thứ hai, các quy định về đảm bảo ATLD và VSLD trong doanh nghiệp phản ánh nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong vấn đề bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Ví dụ : việc trang bị các phương tiện che chắn trong điều kiện có tiếng ồn, bụi...
Thứ ba, nó nhằm đảm bảo các điều kiện vật chất và tinh thần cho người lao động: Cụ thể, việc tuân theo các quy định về ATLD và VSLD đòi hỏi người sử dụng lao động phải đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho người lao động như: trang bị đồ bảo hộ lao động, thực hiện các chế độ phụ cấp...
Đối tượng áp dụng chế độ ATLĐ và VSLĐ: Các quy định này được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, mọi công chức, viên chức, mọi người lao động kể cả người học nghề, tập nghề, thử việc trong các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, trong lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam.
vệ sinh an toàn lao động


3. Các nguyên tắc của An toàn Lao động, Vệ sinh Lao động

Việc thực hiện An toàn Lao động và Vệ sinh Lao động trong các doanh nghiệp phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
Nhà nước quy định nghiêm ngặt chế độ An toàn Lao động, Vệ sinh Lao động
ATLD, VSLD là có liên quan trực tiếp đến đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Xuất phát từ tầm quan trọng này mà Nhà nước quy định nghiêm ngặt chế độ bảo hộ lao động từ khâu ban hành văn bản pháp luật đến tổ chức thực hiện và xử lý vi phạm. Nhà nước giao cho cơ quan có thẩm quyền lập chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, ATLD, VSLD; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, về ATLD, VSLD.
Thực hiện toàn diện và đồng bộ ATLD, VSLD
Nguyên tắc thực hiện toàn diện và đồng bộ ATLD, VSLD thể hiện trên các mặt sau :
ATLD và VSLD là bộ phận không thể tách rời khỏi các khâu lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.
ATLD và VSLD là trách nhiệm của không chỉ người sử dụng lao động mà còn của cả người lao động nhằm bảo đảm sức khỏe tính mạng của bản thân và môi trường lao động...
Bất kỳ ở đâu có tiếp xúc với máy móc, công cụ lao động... thì ở đó phải có ATLD, VSLD.
Đề cao và đảm bảo quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện ATLD, VSLD:
Công tác ATLD, VSLD mang tính quần chúng rộng rãi, do vậy chúng là một nội dung quan trọng thuộc chức năng của bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động của tổ chức công đoàn.

4. Trách nhiệm về An toàn Lao động và Vệ sinh Lao động

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động
Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải lập kế hoạch, biện pháp ATLD, VSLD và cải thiện điều kiện lao động.
Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện các chế độ khác về ATLD, VSLD đối với người lao động, theo quy định của Nhà nước.
Cử người giám sát việc thực hiện các quy định, nội quy, biện pháp ATLD, VSLD trong doanh nghiệp; phối hợp với công đoàn cơ sở xây dựng và duy trì sự hoạt động của mạng lưới an toàn và vệ sinh viên.
Xây dựng nội quy, quy trình ATLD, VSLD phù hợp với từng loại máy, thiết bị, vật tư kể cả khi đổi mới công nghệ, máy, thiết bị, vật tư và nơi làm việc theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy định, biện pháp ATLD, VSLD đối với người lao động.
Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, theo tiêu chuẩn, chế độ quy định.
Chấp hành nghiêm chỉnh quy định khai báo, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả tình hình thực hiện ATLD, VSLD, cải thiện điều kiện lao động với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động.

Quyền của người sử dụng lao động

Theo quy định của pháp luật lao động nước ta, trong việc thực hiện ATLD và VSLD người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
Buộc người lao động phải tuân thủ các quy định, nội quy, biện pháp ATLD, VSLD.
Khen thưởng người chấp hành tốt và kỷ luật người vi phạm trong việc thực hiện ATLD, VSLD.
Khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quyết định của Thanh tra viên lao động về ATLD, VSLD nhưng vẫn phải chấp hành quyết định đó.

Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Nghĩa vụ của người lao động
Chấp hành các quy định, nội quy về An toàn lao động, Vệ sinh Lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
Phải sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị và cung cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh nơi làm việc, nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường.
Phải cáo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động.

Quyền của người lao động

Theo quy định của pháp luật lao động nước ta, trong việc thực hiện ATLD và VSLD người lao động có các quyền sau đây:
Yêu cầu người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh cải thiện điều kiện lao động, trang bị và cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện, thực hiện biện pháp an toàn lao động, Vệ sinh Lao động.
Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy nó có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp, từ chối trở lại nơi làm việc nói trên nếu những nguy cơ đó chưa được khắc phục.
Khiếu nại hoặc tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người sử dụng lao động vi phạm quy định của Nhà nước hoặc không thực hiện đúng các giao kết về ATLD, VSLD trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

5. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực An toàn Lao động, Vệ sinh Lao động

Trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực ATLD, VSLD thể hiện trên các khía cạnh sau:
Xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động ATLD, VSLD
Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, ATLD, VSLD do Bộ Lao động - thương binh và Xã hội, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Căn cứ vào chương trình này, hàng năm Bộ Lao động - thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kinh phí đều tư cho chương trình để đưa vào kế hoạch ngân sách của Nhà nước.
Thanh tra ATLD, VSLD
Thanh tra ATLD, VSLD là là một trong những hoạt động chuyên ngành của thanh tra Nhà nước về lao động.
Mục đích của thanh tra ATLD là đảm bảo về tính mạng, sức khỏe đối với người lao động và đảm bảo an toàn về vận hành, sử dụng các phương tiện, thiết bị và nơi làm việc, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển của sản xuất kinh doanh.
Mục đích của thanh tra VSLD nhằm ngăn ngừa tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường lao động.

Thẩm quyền thanh tra nhà nước về ATLD và VSLD hiện nay là :

Bộ Lao động - thương binh và Xã hội và các cơ quan lao động địa phương thanh tra về ATLD.
Bộ Y tế và các cơ quan Y tế địa phương thực hiện thanh tra VSLD.
Ngoài ra, do tính chất đặc thù của một số lĩnh vực, ngành nghề như phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí; các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang...thì việc thanh tra ATLD, VSLD sẽ do cơ quan quản lý ngành đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra Nhà nước về lao động.
Căn cứ tiêu chuẩn nhà nước về ATLD, VSLD, Ban chấp hành công đoàn cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động các biện pháp đảm bảo ATLD, VSLD và cải thiện điều kiện lao động. Công đoàn vận động xây dựng phong trào bảo đảm ATLD và tổ chức mạng lưới an toàn viên, vệ sinh viên.

6. Biện pháp và tiêu chuẩn về An toàn Lao độngVệ sinh Lao động

Các biện pháp về ATLD, VSLD, ngăn ngừa sự cố
Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ và tàng trữ các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLD, VSLD, phải có luận chứng về các biện pháp bảo đảm ATLD, VSLD đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường xung quanh theo quy định của pháp luật.
Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLD, VSLD do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại máy, thiết bị, vật tư, năng lượng, điện, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, việc thay đổi công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới phải được thực hiện theo tiêu chuẩn ATLD, VSLD. Các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLD, VSLD phải được đăng ký và kiểm định theo quy định của Chính phủ.

7. Tiêu chuẩn về An toàn Lao độngVệ sinh Lao động

Người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường.
Những quy định về ATLD, VSLD được Nhà nước thống nhất quy định và tiêu chuẩn hóa.
Có hai loại tiêu chuẩn: tiêu chuẩn cấp Nhà nước và tiêu chuẩn cấp ngành.

Tiêu chuẩn cấp Nhà nước là tiêu chuẩn bắt buộc thi hành cho nhiều ngành, nhiều nghề trong phạm vi cả nước. Các tiêu chuẩn này do Chính phủ hoặc cơ quan được Chính phủ ủy quyền ban hành. Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn này bao gồm tất cả các cơ sở tư nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ, nghiên cứu khoa học; các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang có sử dụng, vận chuyển, lưu giữ máy thiết bị, vật tư, chất phóng xạ, thuốc nổ, hóa chất, nhiên liệu, điện,... có sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt quy mô tổ chức lớn hay nhỏ, nhiều hay ít lao động và người quản lý là công nhân Việt Nam hay nước ngoài.
Tiêu chuẩn cấp ngành, cấp cơ sở là tiêu chuẩn do cơ quan quản lý cấp ngành ban hành phù hợp với các tiêu chuẩn của Nhà nước và có giá trị bắt buộc thi hành trong phạm vi đối tượng mà tiêu chuẩn quy định áp dụng.
Dựa trên những tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho phù hợp với đơn vị minh. Việc tuân theo những tiêu chuẩn ATLD, VSLD do Chính phủ ban hành là đảm bảo cần thiết và quan trọng để phòng ngừa sự cố xảy ra.


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.